Mâu thuẫn tôn giáo Bạo_loạn_ở_miền_Nam_Thái_Lan

Tại miền Nam nước Thái, nơi đa số dân chúng theo đạo Hồi, đây là lần đầu tiên từ nhiều năm mới xuất hiện những hành vi bạo động như vậy. Trong tháng Giêng 2004, tình hình khu vực miền Nam Thái Lan căng thẳng hẳn lên sau một loạt những vụ tấn công vào các cơ sở là biểu tượng của chính quyền trung ương như trường công, đồn bót cảnh sát, thậm chí cả doanh trại quân đội. Trong bối cảnh đó, các sự kiện liên tiếp nhắm vào tu sĩ Phật giáo tại vùng đông dân Hồi Giáo này đã khiến giới quan sát lo ngại là tinh thần hận thù tôn giáo có thể bị kích động thêm khiến cho tình hình tại miền Nam Thái Lan thêm bất ổn định. Tình trạng mà người theo đạo Hồi ở miền Nam Thái Lan cho là bị phân biệt đối xử là một nhân tố thuận lợi cho việc kích động thù hận đó. Tại khu vực này, những người theo đạo Phật chỉ là thiểu số, nhưng họ thường là những thành phần giàu có hơn là đa số người theo đạo Hồi.

Mặt khác, cộng đồng Hồi Giáo ở miền Nam Thái Lan lại là người gốc Mã Lai, trong lúc người theo Phật giáo thường là người gốc Thái. Do đó, những người Thái đạo Phật bị những người Hồi Giáo tại chỗ coi là người từ nơi khác tới. Sau cùng, đa số những chức vụ quan trọng trong guồng máy hành chánh và cảnh sát tại miền Nam Thái Lan lại được giao cho người theo đạo Phật. Hiện tượng này lại càng tạo thêm tâm lý bất mãn trong đa số cư dân là người Hồi Giáo.

Chính quyền Bangkok vào ngày 24/1, 2004 quy trách nhiệm các vụ bạo động nhắm vào các tu sĩ Phật giáo cho các thành phần Hồi Giáo đòi ly khai. Theo Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, dụng tâm của những kẻ sát nhân là muốn tạo ra xung đột tôn giáo. Cuộc điều tra tìm kiếm thủ phạm được ráo riết xúc tiến.

Tuy nhiên, đối với nhiều nhà phân tích, với các vụ bạo động lúc đó đang gia tăng trở lại và bắt đầu nhiễm màu sắc tôn giáo, chính quyền Bangkok sẽ phải xem xét lại chính sách của họ đối với thiểu số Hồi Giáo tại Thái Lan nhằm giải tỏa tâm lý bất bình trong cộng đồng này vốn là môi trường dẫn đến bạo động.